20 tháng 5 2008

Heo Joon


http://img527.imageshack.us/img527/6511/ut1119664321j26b.jpg
Tình yêu và danh vọng

Hấp lực của bộ phim Thần y Huh Joon không chỉ là câu chuyện thực về cuộc đời đầy gian truân, vất vả và nhiều thăng trầm của Huh Joon (1546-1615), một vị thái y nổi tiếng vào triều đại Chosun, thế kỷ 16. Thần y Huh Joon còn cuốn hút khán giả khi đan xen vào số phận bi tráng của một con người truyền thuyết là những câu chuyện về tình yêu và danh vọng.


Là con trai của tỳ thiếp, nên dẫu thông minh chăm chỉ, nhưng Huh Joon cũng buộc phải từ bỏ con đường khoa cử vì sự phân biệt địa vị xã hội của chế độ phong kiến Triều Tiên. Chàng trai trẻ Huh Joon bồng bột, nóng nảy đã có lúc trở thành đại ca của bọn buôn lậu dược liệu, cho đến ngày gặp gỡ tiểu thư Da-hee... Yêu và được yêu, Huh Joon quyết tâm mang đến cho Da-hee một cuộc sống hạnh phúc. Huh Joon từ bỏ những chuyến buôn lậu, nỗ lực học tập để trở thành thầy thuốc giỏi, không chỉ để cứu giúp người mà còn để thoát khỏi vị trí xã hội thấp kém bị rẻ rúng. Từ một người giúp việc trong nhà của một thầy lang nổi tiếng, Huh Joon trở thành một thầy thuốc giỏi nhờ nỗ lực và say mê học tập, nghiên cứu. Cuối cùng thì tài năng của Huh Joon cũng được thừa nhận, ông được mời vào hoàng cung và trở thành thái y của triều đình vào thời vua Seon Jo trị vì. Khi quân Nhật xâm lược Triều Tiên năm 1592, ông chính là người chăm sóc nhà vua cho tới phút cuối cùng. Chiến tranh chấm dứt, ông được phong tước năm 1604 và trở thành Thần y năm 1606. Tuy nhiên tước vị Thần y bị phế truất do sự phản đối của một số triều thần cao cấp, và khi nhà vua Seon Jo vừa băng hà thì Huh Joon cũng liền bị triều đình thải hồi... Trong thời gian bị lưu đày, ông đã đúc kết công trình nghiên cứu 16 năm để viết cuốn sách y học huyền thoại Kho tàng thuốc Đông y (Dong Yi Bo Gam), được hoàn thành năm 1610. Cuốn sách này đến nay vẫn tiếp tục được dịch và xuất bản ở nhiều nước, hầu hết những người theo ngành đông y đều biết về cuốn sách này.



Câu chuyện của Thần y Huh Joon được đạo diễn Lee Byung Hoon đưa lên phim đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho những người đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống một cách lương thiện bằng chính khả năng và sức lực của mình. Dẫu xuất thân hèn kém, dẫu từng bồng bột, nóng nảy để dẫn đến phạm tội, nhưng nếu quyết tâm và nỗ lực rèn luyện, vẫn có thể trở thành người tài đức, có ích cho xã hội. Thần y Huh Joon là những thước phim đẹp về tính nhân văn và lòng nhân ái...



♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 


Y đức là chuyện không bao giờ cũ

Bộ phim Thần y Hur Jun đã đi được một nửa quãng đường. Với tiết tấu chậm, dàn diễn viên không đẹp và nổi tiếng nhưng những chi tiết, tình huống đắt giá ẩn chứa những bài học thâm thúy về nghề y, về cuộc đời trong phim cứ nhẹ nhàng thấm dần vào lòng người xem...

"Nếu muốn có danh phận thì học văn, làm giàu thì đi buôn. Nhưng làm thầy thuốc thì nhiệm vụ thứ nhất là cứu người, nhiệm vụ thứ hai cũng cứu người, nhiệm vụ thứ ba cũng cứu người. Mày đã thua Hur Jun rồi. Dù vào được y viện nhưng mày không có được phẩm chất đạo đức của nó".

Khuôn mặt đỏ bừng vì giận giữ, giọng rít lên từng tiếng một, người thầy thuốc tài ba đã mắng sa sả cậu con trai Yoo Do Ji độc nhất của mình - cũng là một thầy thuốc - ngay trong ngày người con ấy trở về quê vinh qui bái tổ sau khi thi đậu vào y viện.

Sự phẫn nộ của người cha già cũng là sự phẫn nộ của người thầy thuốc chân chính khi biết được người con - đồng nghiệp - vì muốn kịp đến trường thi mà đã quay lưng lại với những người bệnh đang van xin được chữa trị. Người con lập luận: “Khám chữa bệnh là việc cả đời, nhưng cơ hội được vào y viện vài năm mới có một lần, làm sao bỏ qua được”.

Khán giả khi xem đến đoạn Hur Jun tâm trạng đầy lo lắng khi nhìn thấy bệnh nhân ngày mỗi đông mà quĩ thời gian thì ngắn lại, hẳn cũng thấy đầy cảm thương cho dân nghèo và cả Hur Jun. Tâm lý ai cũng muốn được chữa bệnh đến nơi đến chốn, nhưng người nghèo không đủ tiền khám bệnh, mua thuốc. Vì thế, khi nghe thông tin có một thầy thuốc Hur Jun tài giỏi đến chữa trị miễn phí, họ làm sao bỏ qua được...

Mỗi tập phim người xem lại được khám phá thêm tình cảm hết lòng vì người bệnh ở người thầy thuốc Hur Jun. Bệnh nhân bị bưng mủ hôi thối, ông dùng miệng mình để hút sạch; bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, Hur Jun cắn tay lấy máu cho bệnh nhân uống, sẵn sàng đi đến khu làng đang bị ôn dịch để cứu người (dù người thầy hết sức can ngăn)...

Ông nghiệm ra nhiều điều từ người thầy của mình và từ những người dân nghèo mà ông cứu chữa: trước khi học cách chữa bệnh cho mọi người thì phải học làm người trước đã. Chân lý tưởng chừng như đơn giản nhưng đâu phải người thầy thuốc nào cũng nhớ và thực hiện.

Là đứa con ngoài giá thú của một quan huyện và cô kỹ nữ, có lẽ Hur Jun sẽ mãi là anh buôn lậu thuốc luôn oán hận người cha, oán hận cuộc đời nếu không nghe lời nhắn gửi của cha trước khi ông cứu Hur Jun thoát khỏi tội chết: "Con nhớ rằng, con người không phải được đánh giá bằng danh phận mà chính bằng những việc anh ta đã làm". Câu nói ấy đã khiến Hur Jun tỉnh ngộ và lựa chọn đúng con đường đi của mình, cũng như chịu đựng và vượt qua được những thăng trầm trong cuộc đời.

Câu chuyện của Hur Jun là có thật và diễn ra trong thế kỷ thứ 16, nhưng giá trị về y đức, về cuộc sống gia đình, quan hệ thầy trò... vẫn là điều tâm đắc của những nhà làm phim đương đại. Xem phim, lại cám cảnh cho những vấn nạn trong bệnh viện, trong nhà trường, trong cuộc sống gia đình hiện đang tồn tại xung quanh ta. Câu chuyện của Hur Jun khiến cho mọi người có một cái nhìn đẹp hơn về nghề thầy thuốc, và mong sao những nhân vật như Hur Jun sẽ hiện thân nhiều hơn nữa ngoài đời.

♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 

Tiếp tục dòng phim Dae Jang Geum

Cùng một dòng phim nhân vật lịch sử như "Nàng Dae Jang Geum", bộ phim truyền hình Hàn Quốc dài 64 tập "Thần y Hur Jun" (The Legendary Doctor Hur Jun) là câu chuyện thực về cuộc đời của Hur Jun (1546-1615), một vị thái y nổi tiếng triều đại Chosun, thế kỷ thứ 16 của Triều Tiên.

Hur Jun trở thành thái y của triều đình vào thời vua Seon Jo trị vì và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình hoàng tộc. Khi quân Nhật xâm lược Triều Tiên năm 1592, ông là thái y chăm sóc nhà vua cho tới phút cuối cùng. Khi chiến tranh chấm dứt, nhờ những thành tích xuất sắc kể trên mà Hur Jun được phong tước năm 1604, trở thành thần y vào năm 1606. Tuy nhiên, tước vị thần y bị phế truất do sự phản đối của một số triều thần cao cấp. Cuối cùng ông bị triều đình thải hồi ngay sau khi vua Seon Jo băng hà.

Thần y Hur Jun được đánh giá là một trong những bộ phim cổ trang hay của Hàn Quốc. Phim cuốn hút người xem vào số phận bi tráng của một con người đã dành trọn phần đời của mình cho nền y học cổ truyền, cho những tinh hoa văn hóa phương Đông như thuật châm cứu, chữa bệnh bằng thảo mộc... Sự say mê và nỗ lực quên mình của ông cuối cùng đã được đền đáp. Bộ phim cũng thành công khi không quên khai thác khía cạnh tình yêu, một thế mạnh trong các phim Hàn Quốc. Đằng sau sự thành đạt của mỗi người đàn ông là một người phụ nữ. Trong từng giai đoạn thăng trầm của cuộc đời, Hur Jun luôn nhận được trợ giúp cả về tình cảm lẫn công việc của hai người phụ nữ xinh đẹp, mà một người trong đó sau này trở thành vợ ông.

Bộ phim Thần y Hur Jun do nhà sản xuất phim tài ba về thể loại phim cổ trang Lee Byoung Hoon thực hiện, với sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao điện ảnh Jeon Kwang Yeol, Hwang Soo Jeong, Kim Byoung Sae, Lim Hyun Sik, Lee Soon Jae...

♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 

Tản mạn về thần y Hur Jun



Đối với tôi, “Thần Y Hur-Jun” là một niềm vui nhỏ, ngắn ngủi, mỗi tối. Đây là câu chuyện về một lương y ở nước Triều Tiên cổ xưa (cùng thời với nhà Minh Trung Quốc), hết lòng vì người bệnh, hết lòng vì y học. Đó là một nhân vật có thật trong lịch sử Triều Tiên và đã được tiểu thuyết hóa.



Trong quá trình nghệ thuật hóa nhân vật để làm phim, có một số tình tiết hơi vụng nhằm đạt mục tiêu lý tưởng hóa nhân vật (ví dụ lòng nhân ái quá mức trong một số trường hợp của nhân vật chính). Nhưng nhìn chung, câu chuyện là chân thật và hấp dẫn.



Những thăng trầm trong số phận, trong cuộc đời của nhân vật, của gia đình Hur-Jun, của những người chung quanh ông là những chuyện thường nhật trong cuộc đời, ở bất cứ đâu, của nhân loại. Đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, cái Xấu, nhân vật kiên trì mục tiêu lý tưởng chữa bệnh cứu người không phân sang hèn, không xu phụ quyền thế, không hám danh hám lợi… làm sáng lên hình ảnh một người thầy thuốc có tâm và có tài. Tôi ngạc nhiên vì tính tư tưởng - có thể nói là tính tư tưởng tiến bộ, cao cả của bộ phim. Những nghệ sĩ, đạo diễn… ở một đất nước của những tập đoàn tư bản lớn, mà tác phẩm của họ lại tràn trề tính nhân dân, là một điều đáng suy ngẫm.


Có một điều làm tôi suy nghĩ mãi là để làm một phim hay như vậy, các nhà làm phim Hàn Quốc chẳng tốn kém gì nhiều. Không có cảnh cung điện nguy nga khi thiết triều (ông vua và bà quí phi vui lòng ngồi vào một căn phòng chữa bệnh bình thường, hay rảo bước qua sân với đoàn quần thần, ngự y…). Rất giản dị, quần áo cũng chẳng có gì sặc sỡ, nhưng màu sắc dân tộc thì rõ. Cái chính là các nhân vật đóng rất đạt. Người nào ra người nấy, tính cách rõ mà động tác chuẩn, kiệm lời. Y nữ Ye Jin, một nhân vật có số phận và tính cách độc đáo, thể hiện nội tâm qua nét mặt, khi bừng sáng rạng rời, khi trầm ngâm đau khổ. Mỗi khi nữ nhân vật này xuất hiện, người xem cảm thấy sự dịu hiền, sự dâng hiến vị tha… của nữ tính, và cái đẹp của tâm hồn cô đã làm rạng sáng thêm khuôn mặt thần y Hur-Jun cùng các nhân vật khác.

Sao điện ảnh Việt Nam lại không thể làm các phim có chiều sâu mà giản dị như thế nhỉ? Ta có biết bao câu chuyện hay của thời xưa cũng như của thời nay. Để diễn xuất được như vậy, tôi nghĩ trình độ nghệ thuật của diễn viên Việt Nam không đến nỗi. Còn đạo diễn chỉ cần tận tâm, yêu nghề, với một số tài năng nữa, là có thể làm được! Cái chính là phải có một câu chuyện được dàn dựng công phu và nghệ thuật, tức là phải có một kịch bản hay làm nền.

Nói thì dễ, làm thì khó. Nhìn ra chung quanh thấy nhiều phim truyền hình của ta sao quá tệ - người xem kêu quá! Kết quả của việc chạy theo danh lợi, chạy theo thị trường, bỏ mất nghệ thuật đích thực chăng? Trong nghề y mà bỏ quên y đức, trong nghệ thuật mà bỏ quên sáng tạo, tài năng, chỉ vụ lợi danh như “Thần y Hur-Jun” phê phán, thì việc gì cũng hỏng.

Có lẽ ta phải làm lại từ đầu, như ta đã bắt đầu vào những năm 60 thế kỷ trước, khi mọi việc “dẫu nghèo vẫn tốt” và bây giờ nhớ lại, ta lại mong “bao giờ cho đến ngày xưa ấy!”.


♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 

Xoay quanh bộ phim Thần y Hur Jun



Sau “cơn sốt” Nàng Dae Jang Geum, bộ phim Thần y Hur Jun giờ đây lại ra mắt khán giả Việt Nam trên kênh VTV3 cũng với bối cảnh kể về một nhân vật lịch sử huyền thoại của y học Hàn Quốc. Tuy nhiên, liệu Thần y Hur Jun có đánh bại Nàng Dae Jang Geum không?

Là đứa con tinh thần đầu tiên của đạo diễn Lee Byung Hoon dàn dựng về nhân vật lịch sử, Thần y Hur Jun thực sự là bộ phim cổ trang tạo “cơn sốt” tại Hàn Quốc năm 2000. Với độ dài 64 tập, đài Truyền hình MBC đã thu hút người xem ở mọi lứa tuổi tới 63%, và đứng đầu bảng xếp hạng các phim ăn khách nhất. Bộ phim tái hiện một cách chân thực, sinh động về cuộc đời trầm luân của vị danh y Hur Jun sống dưới triều đại Chosun vào thế kỷ 16. Chính sự ra đời oan nghiệt (con của một quan huyện và một kỹ nữ không danh phận) với thân phận thấp hèn được ghi trong quốc pháp đã khiến Hur Jun nuôi chí từ nhỏ, ông quyết tâm trở thành thầy thuốc để cứu giúp những người nghèo khổ. Mở đầu phim, Hur Jun che chở cho một cô gái - con của một tội phạm triều đình mà trực giác mách bảo anh họ chưa chắc đã là người xấu. Hur Jun thực sự gây thiện cảm cho người xem ngay từ tập đầu tiên này. Trải qua bao khó khăn, nhọc nhằn và nỗ lực học hỏi không ngừng kể từ triều đại vua Myung Jong đến vua Kwang Hye Kun VII, cuối cùng Hur Jun được làm ngự y trong cung. Và việc nghiên cứu về các loại dược thảo của ông đã đúc kết thành sách, nổi tiếng là cuốn Đông y bảo giám được lưu truyền cho đời sau.


Tuy bộ phim không có dàn diễn viên ngôi sao trẻ đẹp, nhưng nội dung và tính cách nhân vật đã cuốn hút khán giả Hàn Quốc, vì đây là bộ phim cổ trang hoành tráng và quy mô nhất Hàn Quốc cho tới thời điểm đó. Từ sự thành công của Thần y Hur Jun, đạo diễn Lee Byung Hoon đã cho ra đời tiếp “đứa con” thứ hai của ông là bộ phim Nàng Dae Jang Geum, cũng kể về cuộc đời của một thần y có thật trong lịch sử y học Hàn Quốc. Nhưng lần này Lee Byung Hoon đã đưa vào phim của ông dàn diễn viên tuyệt vời. Chính tài - sắc - sức trẻ của họ đã giúp ông gặt hái thành công một lần nữa, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn vang dội tại nhiều nước châu Á.

Bộ phim Thần y Hur Jun không có sự góp mặt các ngôi sao, nhưng có sự hiện diện của các gương mặt khá quen thuộc của khán giả màn ảnh nhỏ như Jeon Kwang Ryul trong vai thần y Hur Jun đã từng xuất hiện trong phim Người mẫu, Cạm bẫy, Thời thanh xuân, Tình yêu trong sáng, Bệnh viện đa khoa… Hay nữ diễn viên Hwang Su Jung (vai Ye Jin) với gương mặt hiền hậu trong phim Bốn chị em gái…

http://img527.imageshack.us/img527/5029/ut1119664321mqjs.jpg

Tuy khá mờ nhạt trong các phim truyền hình, nhưng nhờ phim Thần y Hur Jun mà tên tuổi của họ vụt sáng. Jeon Kwang Ryul xuất thân từ khóa đào tạo diễn viên của đài truyền hình TBC năm 1980. Năm nay ở tuổi 46, anh vẫn được đạo diễn tín nhiệm giao cho vai nam chính trong bộ phim Bài ca tình yêu. Khi được hỏi về việc tham gia phim Thần y Hur Jun anh có gặp phải khó khăn nào không, Jeon Kwang Ryul cho biết: “Phải thể hiện vai Hur Jun từ khi còn là một thanh niên đến một ông già 60 tuổi, trong đó giai đoạn khó khăn nhất của tôi là lúc diễn Hur Jun theo thầy Yoo Eu Tae học nghề thuốc, vì hầu hết các cảnh quay này đều phải leo núi rất cực nhọc. Hơn nữa, tôi còn phải học châm cứu và nhiều thứ liên quan đến nghề y. Nhưng có như thế vai diễn mới có thể thành công được”. Một kỷ niệm khá thú vị là việc thần y Hur Jun bị… mất râu. Đó là lần Jeon Kwang Ryul ngủ gật trong khi chờ cảnh quay tiếp theo. Một diễn viên cần râu để hóa trang đã tranh thủ lúc Jeon Kwang Ryul ngủ, mượn tạm râu giả của anh, khi Jeon Kwang Ryul ra trước máy quay không biết râu của mình bên còn bên mất, khiến cả đoàn được bữa cười vỡ bụng.

Chính tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của các diễn viên và ê kíp làm phim cũng góp phần tạo nên sự thành công của bộ phim. Điều hết sức thú vị là những bài thuốc trong phim đều được mọi người trong đoàn làm phim thi nhau ghi chép các bí quyết, và điều này đã thực sự hữu ích khi họ bất ngờ trở thành những vị “thần y” tự chữa trị cho nhau trong khi đi quay ngoại cảnh ở xa thành phố, điều kiện vật chất khó khăn, cường độ làm việc căng thẳng nên có nhiều người bị bệnh. Đạo diễn Lee Byung Hoon vui cười nói: “Với vai trò chỉ đạo một đoàn làm phim mà tôi giống như điều hành một bệnh viện lưu động vậy!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét