01 tháng 12 2009

Sangdo


http://img188.imageshack.us/img188/1200/45181325thuonggia.jpg

Xem phim Thương gia: Câu chuyện của yêu thương và nghị lực
Ánh mắt người cha nhìn theo con trong nỗi tuyệt vọng và niềm hy vọng đan xen. Cha nhìn con cười, con nhìn cha khóc. Bàn tay đao phủ vung lên, kết thúc một cuộc đời với ước vọng còn dang dở. Sang Ok sẽ phải sống, phải đi tiếp con đường phía trước mà không còn cha bên mình. Cố lên, Sang Ok!

Con đường nghị lực

Sang Ok, khi còn là một cậu bé, đã giúp đỡ những người bạn nhỏ của mình bằng sự thông minh đặc biệt. Tình bạn trong veo thuở thiếu thời đó theo họ đến lớn, khi người này hoặc người khác gặp nạn đều nhận được sự giúp đỡ của nhau. Sang Ok là tấm gương nghị lực cho bạn bè học hỏi và nương tựa. Với gia đình, cậu là niềm tự hào và hy vọng. Cậu học hành, nỗ lực để thực hiện chí nguyện dang dở của người cha. Cảnh người mẹ tát con rồi sau đó rưng rưng nhìn con thương cảm khi thấy con chớm nghĩ về nghề thương gia đã làm người xem cảm động biết dường nào. Người cha, người mẹ ấy ta dường như bắt gặp đâu đó trong cuộc sống Á đông này, nơi con cái là nguồn tin yêu và hy vọng của bố mẹ, kể cả việc phải thực hiện khát vọng dang dở của họ.

Bao lần người cha thất bại và cam lòng sống cuộc đời buồn bã bất đắc chí nhưng vẫn nuôi hy vọng về một tương lai tươi sáng của con mình. Trong phim có một hình ảnh cứ trở đi trở lại như ám ảnh: con đường hai cha con sang Trung Quốc trong nơm nớp lo sợ bị bắt vì mang hàng cấm; con đường Sang Ok đi gánh nước từ biển về lò rèn - thử thách đầu tiên của người thợ cả về lòng kiên trì và nghị lực; con đường Sang Ok đi bán món-hàng-tưởng-như-không-thể-bán-được. Hình tượng con đường như một ẩn dụ về kiếp người dằng dặc những nỗi niềm và trắc trở.

Những tấm lòng yêu thương

Trong xã hội mà Sang Ok sống, không thiếu thủ đoạn mà cũng không thiếu những tấm lòng con người dành tặng nhau. Cô tiểu thư Da Nyung xinh đẹp có bề ngoài lạnh lùng ẩn giấu trái tim nồng ấm lặng lẽ giúp đỡ Sang Ok và yêu anh trong thầm lặng. Ông thợ cả lập dị nhưng tràn đầy thương cảm đã dạy Sang Ok những bài học đầu tiên về ý chí, nghị lực và nghề thợ rèn. Kiên trì và nhẫn nại, không phải là học lỏm những điều nhỏ nhặt mà phải hướng đến những điều cao xa hơn - người thợ cả đã nói với Sang Ok như thế. Lẽ đời thâm sâu thể hiện kín đáo trong những câu thoại giản đơn.

Trong những tấm lòng đến với Sang Ok còn có con mắt xanh của người chủ lò rèn khi nhìn ra "con chiến mã" dưới bộ dạng thê thảm, là sự thương cảm của người quản gia cho cô tiểu thư, là tấm lòng biệt nhỡn liên tài của vị quan phó sứ đoàn sang Trung Quốc, là bà con xung quanh. Những tấm lòng ấy đã làm cho cuộc sống của anh ấm áp để dù thế nào đi nữa anh vẫn cố mà giữ được niềm tin yêu cuộc đời.

Chuyển cảnh nhanh gọn, mỗi tập đều có những điểm nhấn và kết thúc vào lúc hồi hộp như tiểu thuyết chương hồi khiến khán giả chẳng thể nào rời mắt khỏi màn hình được sau mỗi tập. Những cảnh quay đẹp với các hình ảnh đậm nét văn hóa Hàn và những màn múa hát của nhóm hát rong làm khán giả thêm yêu xứ sở này. Dàn diễn viên chính lẫn phụ đều diễn xuất thật trọn vẹn. Kim Hyun Joo tỏa sáng với vai diễn cô tiểu thư có tình yêu trắc trở với Sang Ok do người cha xảo quyệt gây ra.

Xem Thương gia, ta không khỏi liên tưởng đến Dea Jang Geum. Mặc cho sóng gió cứ chực chờ đổ ập xuống đời bất cứ lúc nào bởi những thế lực ác không ngừng tác oai tác quái, Sang Ok vẫn cứ hiên ngang ngẩng cao đầu. Bởi vì nghị lực và tình yêu thương sẽ đưa anh đến bến bờ của thành công như người cha già tội nghiệp của anh vẫn mong đợi!



♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 



Tình người giữa chốn thương trường


Kinh doanh là để kiếm tiền, quả không sai. Thế nhưng, vào thế kỷ 19 đã có một người không đồng ý với quan điểm này. Ông chủ của bang Mãn Thương giàu có trong bộ phim Thương gia đã cho rằng: "Kinh doanh không phải kiếm tiền mà là kiếm người".

Điều bất ngờ hơn nữa, câu nói này thốt ra từ miệng của một người mà cuộc sống luôn gắn liền với đồng tiền. Khi còn trẻ ông từng lấy trộm sạch tiền của người bạn thân để làm vốn khởi nghiệp. Tiết kiệm từng đồng từng cắc, ông chỉ ăn toàn cơm trắng với nước chấm. Lúc giàu có vẫn nổi tiếng là một người "keo kiệt"...

Người xem vỡ lẽ ra rằng đằng sau vẻ mặt cau có khó chịu, tiết kiệm từng lời kia là một bộ óc kinh doanh tài giỏi, và hơn cả là một trái tim nhân hậu.

Thất bại trong dự án trồng nhân sâm, ông đành hợp tác với Sông Bang dù biết rằng phần thiệt sẽ thuộc về mình, vì: "Ta chẳng sợ bản thân bị phá sản, nhưng không nỡ thấy những người gắn bó với ta bao năm không có cơm ăn áo mặc".

Đi ngược với hình ảnh của ông chủ bang Mãn Thương là ông chủ Sông Bang. Đối với ông này thì "muốn làm giàu phải chấp nhận hi sinh".

Ông sẵn sàng loại bỏ người cộng sự đắc lực, gắn bó với mình suốt mấy chục năm khi người ấy không còn khả năng sử dụng được, với lập luận: "Điều này cũng giống như thay một thân cây mục rữa vậy. Nếu không thay, ta cũng sẽ mục rữa theo".

Ông phủi tay phủ nhận, không cứu người làm công của mình vì mang hàng buôn lậu cho ông mà bị bắt, bị xử tội chết. Ông cũng không run tay khi cho đốt tàu lương thực của đối thủ cạnh tranh...

Hai con người, hai quan điểm kinh doanh hoàn toàn đối lập nhau đang đối đầu trên thương trường. Trong thời gian này, Im Sang Ok - nhân vật chính trong phim - vẫn còn là một anh học việc quèn tại cửa hàng đồ đồng của bang Mãn Thương.

Một Im Sang Ok ngờ nghệch gánh những chén đồng đắt tiền rao bán cho những bà nội trợ nghèo, khiến họ tăng thêm nỗi buồn vì phận nghèo. Một Im Sang Ok rong ruổi trên những dặm đường dài với chuyến hàng buôn bán đầy nguy hiểm qua biên giới Trung - Hàn, nơi cái chết cái sống chỉ cách nhau có gang tấc...

Tấm lòng nhân hậu, tốt bụng và chịu thương chịu khó đã giúp cho Im Sang Ok vượt qua khó khăn và gây ấn tượng tốt cho các đối tác kinh doanh. Từ những chuyến đi ấy, từ bài học quí báu nơi ông chủ khó tính nhưng nhân hậu chính là hành trang cho chàng trai giàu nghị lực phấn đấu thành thương gia không chỉ giàu có mà còn tràn đầy tình người.

Mới chỉ có 14 trong tổng số 50 tập phim đã được phát sóng, có thể thấy Thương gia không khai thác chuyện tình gay cấn như thường thấy trong các bộ phim Hàn Quốc. Phim cũng không hấp dẫn ngay từ đầu bởi tiết tấu chậm và một đề tài khá khô cứng. Nhưng càng xem càng "cảm", bởi tình người cứ lấp lánh tỏa sáng dù đó là chốn thương trường đầy nghiệt ngã, lọc lừa.

♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 

Xem Thương gia: Đạo kinh doanh, đạo làm người


Có thể thấy bộ phim là những cuộc đấu trí khá căng thẳng chốn thương trường, điển hình qua sự đối đầu giữa bang Mãn Thương và Sông Bang - hai bang đứng đầu tại Bình Nhưỡng lúc bấy giờ.

Đây cũng là sự đối đầu của hai quan điểm kinh doanh khác biệt. Với Mãn Thương, kinh doanh không phải để kiếm tiền mà là kiếm người. Còn với Sông Bang thì ngược lại: thương trường là chiến trường, muốn kiếm tiền phải làm mọi thứ, đạp bỏ mọi chướng ngại phía trước để đi lên, kể cả đó là người thân quen của mình.



Có lẽ, điều may mắn nhất của Im Sang Ok đó là anh được vào học nghề tại bang Mãn Thương, có một người thầy giàu lòng nhân hậu. Chính từ môi trường tốt đẹp ấy đã ươm mầm tình yêu thương vào chàng trai trẻ đang mang trong lòng sự trả thù cho cha.



Và ngược lại, cũng tội nghiệp cho ông chủ Sông Bang, vì nhìn lầm người nên “nuôi ong tay áo”. Ông ta đã mời, đúng hơn dụ dỗ Jung Chi Soo vốn là quản gia của bang Mãn Thương về làm cho mình để cuối cùng bị hắn ta hất cẳng một cách không thương tiếc. Nhưng suy cho cùng đấy cũng chính là kết quả tất yếu. Ông chủ vô đạo đức thì thuộc cấp hư hỏng là điều đương nhiên. Thầy nào thì trò nấy thôi.

Cũng thấy rằng trong một vài trường hợp, kế sách thấp hèn của Sông Bang như hối lộ, buôn lậu... đã phần nào lấn áp bang Mãn Thương khiến bang này gặp muôn vàn khốn đốn, mất dần khu vực kinh doanh của mình. Thế nhưng, kinh doanh là chặng đường dài thăm thẳm, hai quan điểm kinh doanh trái ngược nhau phải trải qua nhiều thử thách để đến phút cuối cùng mới chứng minh được ai đúng, ai sai.

Jung Chi Soo luôn lấy đồng tiền là mục đích chính. Cậy thế nhiều tiền, hắn quyết thu gom tất cả cá ở các bến cảng để bán lại kiếm lời mà điều này không được phép bởi việc kinh doanh cá dành cho những tiểu thương buôn bán nhỏ. Hắn tìm mọi cách để thu gom cánh đồng muối, một mặt hàng kinh doanh chỉ do các quan trong triều quản lý, rồi sau đó bán với giá cao để kiếm lời, mặc cho người dân nghèo không tiền đang lâm bệnh tật.

Để kiếm tiền, hắn còn buôn lậu nhân sâm sang Trung Hoa, dù điều đó vi phạm quốc pháp... Còn với Im Sang Ok, khi làm bất cứ điều gì ông vẫn nhớ đến những người xung quanh: làm giàu nhưng không phương hại đến người khác. Thậm chí để giúp đỡ những người dân nghèo khó, ông còn mua muối với giá cao và bán lại với giá cực rẻ.

Theo ông, điều quan trọng hơn cả là cách sử dụng đồng tiền chứ không phải làm thế nào để có được nó. Chính bởi chữ “tâm” mà Im Sang Ok ngày càng tạo được sự kính trọng trong dân chúng, thậm chí ông còn khiến những tên cướp hoàn lương. Mà khi đã tạo dựng được sự tin tưởng thì việc người dân ủng hộ sản phẩm của các cửa hàng Mãn Thương là điều tất yếu.

Xem phim ngộ ra rằng đạo kinh doanh cũng là đạo làm người. Làm bất cứ điều gì cũng cần lấy một chữ “tâm”: tâm đối với đời, tâm với người và tâm đối với nghề.

♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ ○ ♥ 

Thương gia - Đạo lý của người kinh doanh

Từ một con người có thật, nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc, các nhà làm phim của hãng MBC đã xây dựng nên một bộ phim khá hấp dẫn

Không chỉ tình tiết câu chuyện diễn biến kịch tính mà còn mang đến cho người xem nhiều bài học ý nghĩa về đạo lý làm người.

Hấp dẫn từ đầu

Vẫn theo phong cách làm phim về nhân vật lịch sử của hãng MBC: Nàng Dae Jang Geum, Thần y Hur Jun, bộ phim Thương gia xây dựng câu chuyện xung quanh cuộc đời của nhân vật Im Sang Ok khá trung thành với cuộc đời con người thật nhưng được hư cấu thêm những tình tiết, sự kiện nhằm làm nổi bật tính cách của nhân vật, toát lên những thông điệp mà những nhà làm phim muốn chuyển tải đến người xem và nhất là những tình tiết hư cấu, những diễn biến mang tính sắp đặt khéo léo của bộ phim tạo ra được sức hút kỳ lạ cho khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ.

Xuất thân của Im Sang Ok là gia đình nho học. Cha ông theo đuổi một ước mơ lớn nhất trong đời là được trở thành quan phiên dịch nhưng trò gian lận trong thi cử của triều đình thời đó không cho phép ông thực hiện mơ ước của mình. Càng sai lầm khi ông tiếp tục hướng con trai đi vào con đường thất bại của ông với mong muốn con mình thay cha thực hiện được ước mơ ấy. Việc chưa thành thì cả hai cha con bị đổ oan, làm vật thế thân cho một thương vụ buôn bán hàng quốc cấm, có sự liên kết giữa triều đình với bang chủ Sông Bang, một thương bang lớn của Bình Nhưỡng lúc bấy giờ. Cha bị chém đầu vì tội phản nghịch, Im Sang Ok và các thành viên còn lại trong gia đình phải bị đi đày.

Kịch tính của bộ phim bắt đầu từ đó, nhất là từ khi lệnh lưu đày bị hủy bỏ, Im Sang Ok quyết định không theo con đường quan nghiệp mà tìm đến với bang chủ Mãn Thương, một thương bang lớn của Bình Nhưỡng, đang là đối thủ cạnh tranh với Sông Bang, để học nghề buôn bán với mục đích một ngày nào đó ông sẽ khiến chính bang chủ Sông Bang phải quỳ gối dưới chân ông để tạ tội và giải nỗi oan khuất cho cha mình. Cuộc chiến diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt giữa hai thương bang hàng đầu tại Bình Nhưỡng thông qua những cuộc đấu trí căng thẳng giữa Im Sang Ok, quản gia của Mãn Thương và Jung Chi Soo, đại quản gia của Sông Bang, hai con người trẻ tuổi, tiêu biểu cho hai quan niệm buôn bán trái ngược nhau: Một bên kiếm tiền bằng mọi giá còn một bên kiếm tiền nhưng vẫn giữ đạo lý làm người.

Lồng trong câu chuyện đầy kịch tính ấy là những mối tình nhẹ nhàng và sâu lắng của tiểu thư con gái bang chủ Sông Bang, người có quan niệm kinh doanh trái ngược với cha mình, đã đem lòng yêu thương Im Sang Ok; của cô gái trong đoàn diễn trò, vốn là một tiểu thư con quan Viện Đại học sĩ của triều đình bị kết tội phản nghịch, bị đi đày, được Im Sang Ok cưu mang trên đường trốn thoát. Nhưng tiếc thay cả hai người con gái đáng yêu ấy không ai trở thành người nâng khăn sửa túi cho Im Sang Ok về sau này.

Bài học cho người thời nay

Xây dựng một nhân vật thời xưa, những người làm phim Thương gia không ngoài mục đích muốn người xem hôm nay cảm nhận được từ câu chuyện của người xưa những bài học về đạo lý luân thường, cho dù đó là thương trường hay trong cuộc sống hằng ngày. Thương trường không phải là chiến trường để hai bên sát hại lẫn nhau. Kinh doanh là phải có lợi nhuận nhưng không phải kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả những thủ đoạn đê hèn và cái đầu lạnh lùng hơn kẻ cướp. Nếu bang chủ Sông Bang quan niệm muốn thống lĩnh được thương trường phải có rắn độc và phi đao trong người, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai là vật cản trên đường đi của mình thì bang chủ Mãn Thương, một người xuất thân từ con nhà nho học, luôn lấy đạo lý làm người làm trọng. Triết lý kinh doanh của ông “là kiếm người, chứ không phải kiếm tiền”. Cái nhục của một bang chủ khi phải quỳ gối trước đối thủ của mình không quan trọng hơn cuộc sống của những người thuộc hạ và gia đình họ nếu thương bang bị phá sản. Chính quan niệm này mà Mãn Thương quy tụ được những con người như Im Sang Ok. Và chính nhờ lãnh hội được cái đạo lý làm người của một thương gia từ bang chủ Mãn Thương mà Im Sang Ok mới trở thành một thương gia nổi tiếng về tài, đức được người dân trọng vọng, làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn không tốt về thương gia của người đời lúc bấy giờ.

Những bài học từ Thương gia vẫn còn nguyên giá trị cho con người hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét